Giới thiệu xe Mitsubishi
Giá thành hợp lý, trang bị tốt, ngoại hình đẹp và được nhập khẩu, còn gì hơn thế dành cho người tiêu dùng trong nước?
Nhắc đến thương hiệu Mitsubishi, tại Việt Nam, bất cứ ai cũng sẽ nhớ ngay đến những mẫu xe kinh điển như Pajero hay dòng sản phẩm thương mại Fuso. Nói cách khác, thương hiệu với biểu tượng ba viên kim cương ít nhiều luôn gắn liền với các dòng xe chuyên dụng và ít khi phù hợp với nhu cầu sử dụng gia đình.
Cho tới gần đây, những nỗ lực ra mắt các dòng sản phẩm như Mirage hay Attrage dù hợp lý cho việc di chuyển hàng ngày lại thiếu vắng “chất” Mitsubishi – thứ đã lừng danh với các mẫu xe như Lancer Evo, Eclipse hay 3000GT – và khiến người dùng cảm nhận rõ những hoài niệm nuối tiếc về một thời vàng son. Tuy thế, trong bối cảnh Evo đang dần biến mất, 3000GT từ lâu chỉ còn là cái tên còn Eclipse đã trở thành hoài niệm quá khứ, mọi động thái mang tên “Sport” của Mitsubishi đường như đều khiến những con tim yêu mến thương hiệu này lại một lần nữa rung động và tiếp tục ngóng chờ.
Trong khi Pajero Sport đã có được những thành công bước đầu được thị trường ghi nhận, liệu Outlander Sport đột phá tìm cho mình được lối đi riêng hay không?
Dù được xem là hậu duệ của Mitsubishi RVR – những chiếc xe đa dụng MPV cỡ nhỏ, Outlander Sport thực chất lại là một chiếc CUV và “gia nhập” đại gia đình Mitsubishi kể từ năm 2011. Dù vậy, nó vẫn duy trì quan điểm sản phẩm với tư cách là mẫu xe dân dụng hướng đến tính tiện ích, có chỗ cho 4-5 người với mục tiêu thu hút người dùng trẻ tuổi. Chính vì điều này, dù trong những năm đầu có mặt, Outlander Sport gần như chỉ là phiên bản thu nhỏ của đàn anh Outlander thì sau đó, nó đã được cách tân dần theo hướng chú trọng vào môi trường vận hành đô thị, phục vụ lối sống sôi động, luôn sẵn sàng trải nghiệm những vùng đất mới và nhu cầu tiết kiệm chi phí. Ở góc độ nào đó, ý tưởng ra mắt của chiếc xe này luôn bám sát nhấn mạnh việc đem lại cho người lái quyền được lựa chọn những lối đi riêng cho bản thân họ.
– dù là trên các cung đường hay trong cuộc sống!
Tuy vậy, ngay cả khi đã trở thành mẫu xe bán chạy nhất tại Mỹ của Mitsubishi trong suốt ba năm sau đó, ngoại trừ một số cải tiến trong hộp số tự động vô cấp, gần như chiếc xe này không có nhiều thay đổi cả bên trong và bên ngoài. Phải tới năm 2014, nó mới lần đầu tạo ra điểm nhấn của riêng mình khi Mitsubishi thiết kế lại toàn bộ phần đầu xe để xứng đáng hơn với tên gọi Sport. Hệ quả là diện mạo mới đã có được nét trẻ trung, năng động và mang nhiều hơi hướng của dòng Lancer – vốn có thế mạnh về tính thể thao. Ngay sau đó, Outlander Sport cũng được trang bị thêm nhiều tính năng tiện nghi khác nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu sử dụng đô thị hàng ngày. Nói cách khác, nó là lựa chọn nhắm tới những ai không cần tới một chiếc xe cồng kềnh luôn tiềm ẩn những thách thức khó nhằn trong việc di chuyển, dừng đỗ hàng ngày trên phố đông cũng như sự hiện diện của hàng ghế thứ ba. Điều này càng trở nên hợp lý hơn khi những mẫu xe đối thủ như Honda CR-V hay Toyota RAV4 đang tiến dần vào khoảng kích thước cỡ trung – để lại khoảng trống cho các mẫu xe nhỏ gọn, linh hoạt. Như thế, Mitsubishi rõ ràng đã và đang tự tạo ra một phân khúc xe riêng – bổ sung thêm lựa chọn giá trị cho danh mục sản phẩm vốn đang ngày càng bị thu hẹp của họ.
Outlander Sport chú trọng vào môi trường đô thị và nhu cầu tiết kiệm chi phí của người dùng.
Với những đích ngắm hoàn toàn mới – phần lớn là đáp ứng điều kiện giao thông trong các thành phố – như thế, Outlander Sport chuyển sang sử dụng những trang thiết bị phục vụ cho việc tăng tốc trên đường thẳng, trải nghiệm lái êm ái và đặc biệt là tiện nghi và khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Chính vì thế, sự hiện diện của động cơ I4 2.0L và hộp số tự động vô cấp CVT là những thay đổi hoàn toàn dễ hiểu. Ngoài ra, kể từ thế hệ 2015, xe cũng được bổ sung thêm ghế da, gia cố cách âm, nâng cấp cơ cấu lái mới hướng tới tiết kiệm nhiên liệu, cải tiến hiệu suất hộp số CVT và động cơ… – những món rõ ràng đều nhắm tới khối người dùng đô thị có yêu cầu cao về sự êm ái, tiện nghi nhưng vẫn muốn “dự phòng” khả năng chinh phục các cung đường hỗn hợp trong những ngày nghỉ cuối tuần.
Chiếc xe lý tưởng cho những hành trình khám phá dài ngày.
Thế mạnh lớn về ngoại hình
Ngoại hình thực sự là điểm mạnh của Outlander Sport trong phân khúc CUV cỡ nhỏ hiện nay. Không rườm rà như nhiều dòng sản phẩm tương tự hiện tại, dáng cổ điển của thiết kế Mitsubishi khiến cho bất cứ ai lần đầu chiêm ngưỡng đều có hơi hướng nghĩ tới những chiếc SUV BMW cỡ nhỏ như X1. Nắp ca pô kéo dài, khoảng cách từ tâm bánh tới hai đầu xe ngắn, dáng vuốt cao về phía đuôi là những nét thiết kế rất khéo léo nhằm tạo ra vẻ thể thao và nâng tầm ngoại hình của Outlander Sport đáng kể.
Outlander Sport 2015 có kích thước tổng thể
4.295 x 1.770 x 1.625 mm với trục cơ sở 2.670 mm – nhỏ gọn hơn so với các đối thủ.
Nhìn từ phía trước, nắp ca pô dốc gợi hơi hướng ngôn ngữ thiết kế đang rất thành công hiện nay của Mazda là KODO – nhưng cứng cáp và góc cạnh hơn nhiều theo đúng phong cách của Mitsubishi. Những đường gấp trên nắp ca pô và cản trước phối hợp khá hài hoà với đèn pha và mặt ca lăng đặc thù của các dòng xe thể thao Mitsubishi hiện đại – điển hình là Lancer Evolution. Có thể nói, đây là hướng thiết kế khá hài hòa, hòa trộn thành công nét mạnh mẽ cần thiết của một chiếc xe đa dụng với sự nhỏ gọn mềm mại của một phương tiện đô thị điển hình. Như thế, nó dễ dàng thu hút được một dải khách hàng rộng hơn so với các đối thủ.
Thiết kế các cụm đèn của Outlander Sport 2015 đều khá tinh tế và bắt mắt.
Kể từ phiên bản 2015, Outlander Sport sở hữu
phần mũi tương đồng với Lancer – trẻ trung và năng động hơn.
Ở phần đuôi xe, những điểm nổi bật lại không đáng kể – một điều thường thấy trên các dòng xe gầm cao. Dù vậy, cụm đèn hậu sử dụng LED với thiết kế vểnh về hai phía cùng đuôi gió trên cao tích hợp sẵn cũng góp phần đáng kể vào ngoại hình trẻ trung tổng thể của xe.
Khoảng sáng gầm xe 195 mm – trội hơn CR-V (170 mm) và gần sát với CX-5 (200 mm).
Phiên bản xe thử nghiệm của Otofun News là CVT Premium – đồng nghĩa với nhóm tuỳ chọn cao cấp nhất của dòng Outlander Sport hiện nay tại Việt Nam. Xe tích hợp đèn pha HID có cơ chế điều chỉnh độ cao tự động, gương chỉnh điện kèm xi nhan LED và cơ chế sưởi, lẫy sang số vô lăng, ghế lái chỉnh điện 8 hướng, sưởi ghế trước, chìa khoá thông minh… Xe cũng sử dụng vành hợp kim 17 inch với phanh đĩa cho cả bốn bánh và lốp 215/60.
Kiểu dáng rắn rỏi với nắp ca pô kéo dài và đường vuốt dọc hông
gợi cảm giác của một chiếc xe SUV thực thụ.
Đáng chú ý, dù sở hữu khoảng sáng gầm chỉ thua 5mm so với CX-5 và vượt trội hoàn toàn so với CR-V, Outlander Sport thực tế lại có chiều cao tổng thể thấp hơn so với cả hai đối thủ. Bên cạnh yếu tố khí động học và tiết kiệm nhiên liệu, đặc tính này cũng cho phép chiều cao của ghế rất phù hợp với vóc dáng của người tiêu dùng tại Việt Nam – đặc biệt là với nhóm luống tuổi luôn tìm kiếm một mẫu xe có gầm cao hơn sedan nhưng lại không quá lênh khênh như SUV. Nói cách khác, họ muốn một chiếc xe với chiều cao vừa phải và cửa rộng cho ra vào chỉ với động tác ngồi và xoay mình thay vì phải leo trèo cũng như xếp đồ hoặc bế trẻ em lên xe mà không gây hại gì cho xương sống. Ở góc độ này, Outlander Sport thực sự đã đánh đúng vào nhu cầu.
Một chiếc xe phù hợp với vóc dáng người dùng Việt Nam – đặc biệt là với phái nữ.
Nội thất: những thứ “chưa từng có” trong phân khúc!
Bạn có thể cảm thấy kì lạ với cụm từ “chưa từng có” nhưng thực tế, Outlander Sport đem lại nhiều nét mới lạ trong nội thất của một chiếc CUV. Nó cũng đem lại cảm xúc trái ngược cho nhóm thử nghiệm khi sở hữu hàng loạt tính năng cao cấp nhưng lại có lớp hoàn thiện bề mặt và nhiều chi tiết thiết kế khá “lạ” so với mặt bằng chung – những thứ dễ đem tới cảm giác yêu-ghét khác nhau tuỳ vào quan điểm của từng người dùng. Tuy thế, cũng không thể phủ nhận sự ấm cúng của không gian nội thất ở đây – với công lớn thuộc về tiện nghi phong phú, sự hiện diện của ghế da, cửa sổ Panorama rộng rãi với hàng đèn LED màu cam ấm áp chạy dọc theo viền. Thực tế, khoang lái của Outlander Sport dường như rộng rãi hơn rất nhiều so với vẻ ngoài gọn gàng của xe. Ngoài ra, theo quan điểm thiết kế của Mitsubishi, việc cắt giảm và gia cố các chi tiết được cân nhắc hết sức hợp lý so với nhu cầu sử dụng thực tế.
Dù có ngoại hình nhỏ nhắn, Outlander Sport lại có nội thất
thoáng đãng đáng nể.
Cụ thể hơn, trong khi phiên bản 2013 thường bị chê vì ồn ào do lớp vỏ mỏng – hệ quả của việc cắt giảm trọng lượng xe nhằm tiết kiệm nhiên liệu, Outlander Sport thế hệ 2015 được tuyên bố đã cải thiện đáng kể khi bổ sung thêm vật liệu cách âm phía sau xe và trang bị kính hai cửa trước dày hơn. Nhờ thế, hệ quả tất yếu có thể thấy rõ ngay trong quá trình thử nghiệm là chiếc xe không chỉ thoát khỏi cảm giác đóng cửa kém đầm chắc mà còn cách ly hiệu quả các tạp âm trên phố đông – với đánh giá thử nghiệm vào hàng tốt nhất phân khúc CUV hiện nay.
Sự hiện diện của dải đèn LED chạy dọc trần xe đem lại cảm giác ấm cúng
và nét sang trọng trong giá rét mùa đông.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trong khi phiên bản Outlander Sport tại Mỹ sở hữu hệ thống âm thanh Rockford Fosgate với 9 loa khá tốt (tương tự như Outlander) thì phiên bản tại Việt Nam lại chưa có lựa chọn này. Xét trong bối cảnh không gian nội thất đầy tiện nghi của chiếc xe, đây thực sự là điều đáng tiếc bởi những trải nghiệm âm thanh qua hệ thống loa tiếng 710 watts và loa trầm 10 inch chắc chắn sẽ có sức thuyết phục lớn hơn nhiều đối với những khách hành trẻ tuổi.
Mặt táp lô được bố trí thoáng đạt, trực quan
với hoạ tiết vân carbon hiện đại, trẻ trung với đầy đủ tiện nghi – kể cả hệ thống Start/Stop.
Khoang lái chân phương nhưng cũng không kém phần lịch thiệp và tiện dụng
– đúng với phong cách của những chiếc xe Mitsubishi.
Tiện nghi bên trong xe là ưu thế của Outlander Sport.
Những vị trí bạn thường xuyên phải đụng tay vào sẽ có lớp bọc da mềm
trong khi các thành phần còn lại đều sử dụng nhựa cứng với lớp vân bề mặt – một lựa chọn khá hợp lý.
Nếu có một sự “trả giá” nào đó bởi kích thước nhỏ gọn của xe, đó chính là việc khoang hành lý phía sau có phần chật chội. Việc tạo ra một chiếc xe nhỏ gọn để đảm bảo sự linh hoạt trong di chuyển và tiết kiệm nhiên liệu trong khi cố gắng duy trì khoảng không gian rộng rãi cho hai hàng ghế đã thu nhỏ đáng kể thể tích khoang chứa đồ phía sau. Như thế, dù vẫn đủ để bạn chất 5-6 chiếc balô cho những chuyến đi, việc mang theo những món đồ cồng kềnh hơn như gậy chơi gôn hay bếp nướng mà không phải hi sinh gập hàng ghế thứ hai lại sẽ là điều khá khó khăn.
Hàng ghế sau vẫn đủ rộng cho ba người lớn ngồi thoải mái
nhưng có lẽ… hai sẽ là tốt hơn trong những chuyến đi dài.
Không phải chiếc CUV nhanh nhất, nhưng rất linh hoạt!
Việc đánh giá hay – dở về vận hành của Outlander Sport thực tế có thể chia làm hai góc nhìn khác nhau – tùy thuộc vào sự đam mê tốc độ và sự nhanh nhạy chân ga của bạn lớn tới đâu. Dưới nắp ca pô, Outlander Sport 2014 được trang bị động cơ nhôm bốn xy lanh 2.0L cho công suất 148 mã lực tại tua máy 6.000 vòng/phút cùng mô men xoắn cực đại 197Nm tại 4.200 vòng/phút. Với trọng lượng 1.350kg, mức công suất này dường như chưa đủ thỏa mãn các tín đồ tốc độ. Thêm vào đó, dù lý do Mitsubishi không sử dụng động cơ 2.4L mạnh mẽ hơn – vốn khá thông dụng trên các dòng xe khác của mình trên Outlander Sport là điều khá khó hiểu nhưng chắc chắn một trong những lý do chính là bởi mục tiêu tiết kiệm nhiên liệu – thứ cũng được hưởng lợi từ sự hiện diện của công nghệ MIVEC.
Dù động cơ 4B11 2.0L 148 mã lực là vừa đủ, người yêu “chất” Mitsubishi
chắc chắn sẽ muốn có 4B12 2.4L 168 mã lực hoặc 4B11T 2.0L với hệ tăng áp cho tối thiểu 236 mã lực.
Tuy thế, trong thực tế vận hành, dù không phải xuất sắc về hiệu năng nhưng bản thân khối động cơ 2.0L vẫn cung cấp mức công suất khá hài hoà với năng lực tổng thể của xe. Điều này tạo nên một thế mạnh khác cho xe: sự linh hoạt và nhanh nhạy đến ngưỡng thú vị đối với người cầm lái trong việc xử lý các tình huống trên đường. Ở góc nhìn này, Outlander Sport sẽ là lựa chọn lý tưởng cho những ai đề cao sự nhỏ gọn và linh hoạt. Cho dù thế nào, để đảm bảo tính “Sport” (một yếu tố quan trọng để thu hút nhóm người dùng trẻ tuổi yêu cảm giác lái) giống như tên gọi của chiếc xe này, có lẽ Mitsubishi vẫn nên cân nhắc về việc bổ sung thêm động cơ hiệu suất cao hơn – dù là ở dưới dạng tuỳ chọn bổ sung đi chăng nữa.
Lựa chọn thú vị cho việc chinh phục các nẻo đường tổ quốc.
Một thực tế thú vị khác cũng nằm ở chỗ Outlander Sport là mẫu CUV hiếm hoi hiện nay sử dụng hộp số CVT (Invecs III). Sự kết hợp giữa hai khái niệm “gầm cao” và “vô cấp” dường như chẳng hề hợp lý chút nào nếu nhìn nhận từ góc độ sử dụng thực tế. Vậy Mitsubishi đã xử lý điều này như thế nào?. Thực tế, không thể phủ nhận rằng với hộp số của Lancer, Sportronic trên Outlander Sport có phần phản ứng chậm hơn. Dù được mô tả là tương đương hộp số tự động 6 cấp, hộp số này cũng chịu hiệu ứng “cao su” (tăng tốc chậm rãi và đều đặn) dù cách tuỳ chỉnh của Mitsubishi đã cải thiện được khá nhiều khả năng tăng tốc trong ngưỡng 0-50km/giờ.
Lẫy chuyển số vô lăng sử dụng vật liệu nhôm thay vì vật liệu nhựa rẻ tiền
rất mong manh ở nhiều dòng xe khác.
Outlander Sport sử dụng hệ thống treo có kết cấu tương tự phiên bản đàn anh Outlander
và được tinh chính khá phù hợp với điều kiện địa hình tại Việt Nam.
Về khung gầm và hệ thống treo, với tư cách là một chiếc xe họ nhà Mitsubishi, không có gì lạ khi Outlander Sport được trông đợi sẽ xuất sắc ở phương diện này và thực tế cũng đã cho thấy điều đó. Trên cung đèo dốc ba tầng từ trục đường chính của thành phố Lào Cai lên Sapa và từ Sapa lên đỉnh Ô Quy Hồ, chiếc xe cho cảm giác lái và úp cua rất chính xác với độ xoắn vặn thân chỉ ở mức tối thiểu. Hiện tượng chúi đầu xuống hoặc lắc ngang khi đi vào đường xấu cũng không đáng kể. Cùng với cảm giác phanh rất thật chân, hai yếu tố này góp phần lớn vào độ tự tin trong việc điều khiển xe của tài xế – bất chấp sự vắng mặt của hệ thống dẫn động bốn bánh. Ngoài ra, việc gầm xe được che chắn cẩn thận cũng sẽ tránh bùn bẩn, đá dăm và các loại tạp chất khác gây hại cho máy móc của xe đồng thời giảm thiểu tiếng ồn từ mặt đường – một đặc điểm đáng giá mà bất cứ người dùng nào cũng muốn có trên “cục cưng” của mình.
Hệ thống treo và cơ cấu lái tốt khiến việc kiểm soát Outlander Sport trên các cung đường đèo
cho cảm giác đầm chắc của một chiếc sedan thay vì một chiếc xe gầm cao thông thường.
Chuyển sang lộ trình đi từ trung tâm Sapa xuống bản Tả Van, Outlander Sport lại một lần nữa thể hiện tuyệt hảo năng lực của hệ thống treo khi triệt tiêu hiệu quả bề mặt đường “làng” đầy ổ gà, sỏi đá và các mảng bong tróc. Khoang lái đặc biệt yên tĩnh và không hề có các âm thanh lọc xọc của khung gầm hay tiếng vọng khó chịu từ mặt đường. Phiền toái duy nhất vẫn chỉ là tiếng máy và hộp số CVT … mỗi khi bạn cần tăng tốc bất thường mà thôi.
Microphone được bố trí khá kì cục sẽ choán mất tầm quan sát thông tin đồng hồ trung tâm
và rất dễ rơi mất sau một thời gian ngắn chạy xe.
Phương tiện du ngoạn lý tưởng cho những ngày đẹp trời.
Bố trí vị trí lái đơn giản nhưng thuận tiện và không mất nhiều thời gian để làm quen.
Dĩ nhiên, không phải ngẫu nhiên mà Outlander Sport lại có doanh số tại Mỹ tốt đến vậy. Thử nghiệm giao thông nội thị cho thấy sự dễ chịu đáng kể dành cho người dùng trong việc xoay sở nhờ bán kính quay đầu chỉ 5,3m (thuộc nhóm tốt nhất phân khúc hiện nay và chỉ ngang với một mẫu sedan cỡ C) đồng thời phần đầu xe thấp tạo ra khả năng quan sát tốt từ ghế lái. Bên cạnh đó, vô lăng điện khá nhạy cũng là lợi thế lớn, tuy nhiên nếu được bổ sung thêm điểm ngấn ở vị trí 2 giờ và 10 giờ như một số dòng xe mới hiện nay, nó sẽ giúp việc đánh lái liên tục khi luồn lách qua các tuyến phố trở nên thoải mái hơn nhiều. Bên cạnh đó, dù khả năng tăng tốc không quá xuất sắc như một số đối thủ khác, cơ chế ưu tiên công suất ở dải tua đầu cũng giúp chiếc xe có sức vượt đủ tốt trong mọi tình huống di chuyển mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Đèn pha HID của Outlander Sport 2015 có góc chiếu rất rộng
so với các dòng xe khác – một lợi thế lớn cho người lái khi vào cua trong đêm tối.
Vậy còn mức tiêu thụ nhiên liệu – thứ mà hầu như người mua xe nào cũng quan tâm – thì sao? Số liệu của nhà sản xuất cung cấp cho thấy phiên bản 2WD với hộp số vô cấp (giống phiên bản thử nghiệm) có mức tiêu thụ nhiên liệu trên đường hỗn hợp ở ngưỡng 8,4L / 100km. Trong suốt hành trình trên cao tốc khởi đầu từ bến xe trung tâm thành phố Lào Cai về tới gần nội thành Hà Nội, mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của Outlander Sport được nhóm thử nghiệm ghi nhận ở mức 6,4L / 100km – một con số rất tốt so với mặt bằng chung. Trong phố đông, mức trung bình bạn có thể trông đợi sẽ khoảng ở ngưỡng 10-11 lít/100km tùy thuộc vào từng lộ trình cụ thể.
Mức tiêu thụ nhiên liệu khá tốt cho chiếc CUV
với bản chất năng động và tiện nghi phong phú như thế này.
Outlander Sport có thể mạnh nhờ: tỉ lệ giá / hiệu quả đem lại tốt, vận hành êm ái, nội thất yên tĩnh,
phong phú về tiện nghi với chi phí vận hành thấp!
mà dường như là cả với chính Mitsubishi.
Outlander Sport có giúp thương hiệu Mitsubishi tạo ra đột phá sau nhiều năm
bị khoả lấp dưới bóng của các đồng hương?
Hình ảnh (Bình X-Five)
Thông số kỹ thuật
- Chiều dài tổng thể: 4.295 x 1.770 x 1.625mm
- Trục cơ sở: 2.670mm.
- Khoảng sáng gầm xe: 195mm.
- Trọng lượng không tải: 1.350kg.
- Động cơ: MIVEC 4 xy lanh 2.0L (4B11).
- Công suất cực đại: 148 mã lực tại tua máy 6.000 vòng/phút.
- Mô men xoắn cực đại: 197Nm tại 4.200 vòng/phút.
- Hộp số: CVT INVECS III (có chế độ Sport).
- Hệ truyền động: cầu trước.
- Tốc độ giới hạn: 193 km/giờ.
- Dung tích bình xăng: 58L.
- Vành lốp: 215/60 R17.
- Phanh: phanh đĩa bốn bánh.